Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền trẻ em: Tổng quan và hướng dẫn

Trẻ em đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai của đất nước. Sau đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn về quyền trẻ em.

1. Người dưới bao nhiêu tuổi được coi là trẻ em?

Theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em thì "Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn."

Tuy nhiên, tại Việt Nam, độ tuổi của trẻ em được thống nhất áp dụng theo quy định tại Luật Trẻ em 2016. Cụ thể, Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Như vậy, tại Việt Nam thì người dưới 16 tuổi được coi là trẻ em. Ở đây, có thể thấy sự khác biệt về độ tuổi trong quy định pháp luật về trẻ em giữa pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế.

Danh sách văn bản hướng dẫn về quyền trẻ em (Hình từ Internet)

2.  Trẻ em có bao nhiêu quyền cơ bản?

Theo Mục 1 Chương II Luật trẻ em 2016, thì trẻ em có các quyền cơ bản sau:

(1) Quyền sống;

(2) Quyền được khai sinh và có quốc tịch;

(3) Quyền được chăm sóc sức khỏe;

(4) Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng;

(5) Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu;

(6) Quyền vui chơi, giải trí;

(7) Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc;

(8) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;

(9) Quyền về tài sản;

(10) Quyền bí mật đời sống riêng tư;

(11) Quyền được sống chung với cha, mẹ;

(12) Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ;

(13) Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi;

(14) Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục;

(15) Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động;

(16) Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc;

(17) Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt;

(18) Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy;

(19) Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính;

(20) Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang;

(21) Quyền được bảo đảm an sinh xã hội;

(22) Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội;

(23) Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp;

(24) Quyền của trẻ em khuyết tật;

Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.

(25) Đối với trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.

Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn quyền trẻ em

1

Luật trẻ em 2016

Luật Trẻ em 2016 số 102/2016/QH13 có hiệu lực vào 01/06/2017 quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Một số quy định nổi bật có thể kể đến là các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6, cấp độ can thiệp tại Điều 50, các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 62.

2

Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em

Nghị định 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/07/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ; hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Một số quy định nổi bật có thẻ kể đến là trẻ em vi phạm pháp luật tại Điều 8, trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại Điều 10, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tại Điều 33, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng tại Điều 35.

3

Nghị định 76/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Nghị định 76/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/07/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

Sửa đổi Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:

“2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng.

Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:

“3. Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định:

a) Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này;

b) Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.”.

4

Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/07/2021 quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Các quy định đáng lưu ý trong Nghị định là đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại Điều 5, mức trợ cấp xã hội hàng tháng tại Điều 6, hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại Điều 7.

5

Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em

Nghị định 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/01/2022 quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Các quy định nổi bật trong Nghị định là hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 4, vi phạm quy định về hồ sơ hưởng chính sách trợ giúp xã hội tại Điều 6, vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại Điều 7.

6

Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/07/2021 quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. Các quy định nổi bật trong Nghị định là mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Điều 4, đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại Điều 5, mức trợ cấp xã hội hàng tháng tại Điều 6.

7

Thông tư 30/2019/TT-BYT sửa đổi Thông tư 34/2017/TT-BYT về hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 30/2019/TT-BYT có hiệu lực vào 01/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 34/2017/TT-BYT về hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Theo đó, sửa đổi Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 như sau:

2. Sàng lọc trước sinh (còn gọi là tầm soát trước sinh) là việc sử dụng các kỹ thuật trong thời gian mang thai để phát hiện nguy cơ dị tật bào thai”.

“3. Sàng lọc sơ sinh (còn gọi là tầm soát sơ sinh) là việc sử dụng các kỹ thuật để phát hiện trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết - chuyển hóa - di truyền nhưng chưa có biểu hiện trên lâm sàng ở giai đoạn sơ sinh”.

8

Thông tư 33/2017/TT-BYT quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 33/2017/TT-BYT có hiệu lực vào 01/10/2017 quy định về nguyên tắc, yêu cầu tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi.

Thông tư này áp dụng đối với:

+ Trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi; cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em;

+ Cơ sở tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản (sau đây gọi chung là cơ sở tư vấn, hỗ trợ) bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về nhi khoa, sản phụ khoa; trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm phòng chống HIV/AIDS; trung tâm y tế quận/huyện; cơ sở tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV; cơ sở tiêm chủng; trạm y tế xã, phường, thị trấn; y tế trường học và các cơ sở khác có cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật;

+ Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

9

Thông tư 34/2017/TT-BYT về Hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 34/2017/TT-BYT có hiệu lực vào 02/01/2017 quy định về tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Quy định nổi bật trong Thông tư là sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Điều 4, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Điều 5, điều trị trước sinh tại Điều 6, điều trị sau sinh tại Điều 7.

10

Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 09/2017/TT-BTTTT có hiệu lực vào 01/10/2017 quy định chi tiết khoản 2 Điều 46 Luật trẻ em về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em; yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

11

Thông tư 23/2017/TT-BYT hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 23/2017/TT-BYT có hiệu lực vào 15/09/2017 hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em.

Thông tư này áp dụng đối với:

+ Trẻ em từ khi sinh đến dưới 16 tuổi;

+ Các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập có cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn chăm sóc sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em;

+ Các cơ sở khác có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em;

+ Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em.

Một số quy định đáng chú ý trong Thông tư là khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em theo độ tuổi tại Điều 3, tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em tại Điều 4.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.93.18
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!