Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024: Tổng hợp văn bản về quy chế tuyển sinh

Sau đây là tổng hợp các văn bản quy định về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2024 với các thông tin quan trọng như đối tượng, điều kiện, hồ sơ dự tuyển

1. Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp do ai ban hành?

- Quy chế tuyển sinh đại học

Theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi điểm b khoản 19 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh, quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp; quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học quy định; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, quy chế tuyển sinh đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Quy chế tuyển sinh cao đẳng, trung cấp

Căn cứ Điều 35 Luật Giáo dục 2019 thì giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Thêm vào đó, khoản 4 Điều 32 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có quy định như sau:

Tuyển sinh đào tạo

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo.

Ngoài ra, Điều 3 Nghị định 15/2019/NĐ-CP cũng có quy định:

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Từ những quy định trên, có thể thấy cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chế tuyển sinh cao đẳng, trung cấp là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, mà cụ thể là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 (Hình từ Internet)

2. Đối tượng và điều kiện tuyển sinh đại học

Đối tượng và điều kiện để dự tuyển đại học được quy định tại Điều 5 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT như sau:

- Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức), bao gồm:

+ Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;

+ Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.

- Đối tượng dự tuyển trên phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đạt ngưỡng đầu vào;

+ Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;

+ Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.

- Đối với một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh, cơ sở đào tạo có thể quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện dự tuyển cho mỗi phương thức tuyển sinh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

- Đối với thí sinh khuyết tật bị suy giảm khả năng học tập, cơ sở đào tạo thực hiện các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh có nguyện vọng được đăng ký dự tuyển và theo học các ngành phù hợp với điều kiện sức khỏe của thí sinh.

3. Đối tượng và hình thức tuyển sinh cao đẳng, trung cấp

Đối tượng và hình thức tuyển sinh cao đẳng, trung cấp được quy định tại Điều 3 Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

Đối tượng tuyển sinh:

- Đối với trình độ trung cấp: học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên.

- Đối với trình độ cao đẳng:

+ Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định.

Trường hợp người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng ngoài các quy định trên còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; quân nhân, công an nhân dân tại ngũ; người nước ngoài, nếu có đủ điều kiện sau đây được đăng ký dự tuyển học trình độ trung cấp, cao đẳng:

+ Bảo đảm các điều kiện được quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 3 Thông 05/2021/TT-BLĐTBXH;

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (nếu dùng ngân sách nhà nước đi học) đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được dự tuyển khi đã được thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng ý;

+ Quân nhân và công an nhân dân tại ngũ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý; quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau;

+ Đối với thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học trung cấp, cao đẳng tại Việt Nam: Hiệu trưởng trường căn cứ kết quả học tập ở trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên của thí sinh (bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ minh chứng) và kết quả kiểm tra kiến thức, tiếng Việt (nếu cần) theo quy định của trường để xem xét, quyết định tuyển thí sinh vào học.

Hình thức tuyển sinh

Hình thức tuyển sinh gồm 3 hình thức là xét tuyển, thi tuyển, Kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển.

Ngoài ra, đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe thì ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng được quy định là:

- Các ngành, nghề trình độ cao đẳng thuộc lĩnh vực sức khỏe theo quy định tại Thông tư 26/2020/TT-BLĐTBXH yêu cầu phải đạt ngưỡng đầu vào theo quy định trên bao gồm: Các ngành, nghề thuộc nhóm ngành, nghề Dược học (mã 67202); Điều dưỡng - hộ sinh (mã 67203) và các ngành, nghề: Y học cổ truyền (mã 6720102); Kỹ thuật phục hình răng (mã 6720605);

- Điểm ngưỡng đầu vào trung bình cộng tối thiểu là 5.0 trở lên áp dụng với tất cả các hình thức tuyển sinh quy định tại Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH.

4. Tổng hợp văn bản về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2024

1

Luật giáo dục 2019

Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ 01/07/2020 quy định hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Trong đó, có các quy định về trình độ đào tạo đại học, trình độ cao đẳng và trung cấp tại mục 1 của Luật này.

2

Luật giáo dục đại học 2012

Luật giáo dục đại học 2012 có hiệu lực từ 01/01/2013 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Trong đó, cần quan tâm đến quy định về chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và cơ quan ban hành quy chế tuyển sinh tại Điều 34.

3

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực từ ngày 01/07/2019, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2012, trong đó có quy định về thẩm quyền ban hành quy chế tuyển sinh đại học.

4

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 01/07/2015. Nội dung đáng chú ý trong luật này là quy định về tuyển sinh đào tạo và thẩm quyền ban ban hành quy chế tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp tại Điều 32 của Luật.

5

Nghị định 15/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 15/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/03/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là quy định về thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Điều 3 của Nghị định này cũng nêu rõ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

6

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/07/2022 là Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Trong đó, quy định về những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho các hình thức đào tạo; quy định cụ thể về tổ chức thi phục vụ tuyển sinh, xét tuyển đào tạo hình thức chính quy. Một số nội dung quan trọng trong quy chế tuyển sinh đại học này là:

+ Đối tượng, điều kiện dự tuyển được quy định tại Điều 5;

+ Phương thức tuyển sinh được quy định tại Điều 6;

+ Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh được quy định tại Điều 7, kèm theo đó là phụ lục I, II quy định về phân chia khu vực tuyển sinh và đối tượng chính sách ưu tiên.

+ Các quy định về xét tuyển thẳng được quy định tại Điều 17. 

7

Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 22/08/2021 là quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Trong Thông tư này, cần lưu ý một số nội dung sau:

+ Điều 3 quy định về thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh;

+ Điều 5 quy định về hồ sơ và thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng;

+ Điều 8 quy định về tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển;

+ Phụ lục 01 quy định về các chính sách ưu tiên.

8

Thông tư 44/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 44/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực 15/02/2022 quy định về tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học.

Trong Thông tư này, cần lưu ý các nội dung liên quan đến phương thức tuyển sinh, đối tượng và điều kiện tuyển sinh tại Điều 3; đề án tuyển sinh tại Điều 4; điều kiện công nhận học sinh hoàn thành dự bị đại học tại Điều 9 và các quy định về xét chuyển học sinh hoàn thành dự bị đại học vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non tại Điều 10 của Thông tư.

9

Quyết định 923/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Quyết định 923/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 có hiệu lực từ ngày 30/03/2023. 

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.122.20
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!