Trường hợp nào được ứng cử trong Đảng? Thủ tục ứng cử trong Đảng được quy định như thế nào theo Quyết định 190?
Trường hợp nào được ứng cử trong Đảng?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024 thì ứng cử trong Đảng được áp dụng trong các trường hợp sau;
(1) Đảng viên chính thức ứng cử tại đại hội đảng viên mà mình là thành viên của tổ chức đảng đó. Đại biểu chính thức của đại hội ứng cử tại đại hội đại biểu.
(2) Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội làm đơn ứng cử ở đại hội tổ chức cơ sở đảng hoặc làm hồ sơ ứng cử để được bầu vào cấp ủy của đại hội đại biểu từ cấp huyện và tương đương trở lên.
(3) Ủy viên ban chấp hành ứng cử để được bầu vào ban thường vụ; ủy viên ban thường vụ ứng cử để được bầu làm bí thư, phó bí thư; trường hợp cấp ủy chỉ bầu bí thư, phó bí thư, không bầu ban thường vụ thì cấp ủy viên có quyền ứng cử để được bầu làm bí thư, phó bí thư (trừ các trường hợp quy định tại Điều 11 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024). Trường hợp đại hội chi bộ không bầu chi ủy, đảng viên chính thức có quyền ứng cử để được bầu làm bí thư, phó bí thư.
(4) Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ứng cử để được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị ứng cử để được bầu làm Tổng Bí thư (trừ các trường hợp quy định tại Điều 11 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024).
(5) Cấp ủy viên ứng cử để được bầu vào ủy ban kiểm tra, ủy viên ban thường vụ ứng cử để được bầu làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp mình (trừ các trường hợp quy định tại Điều 11 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024).
(6) Ủy viên ủy ban kiểm tra, ứng cử để được bầu làm phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.
Như vậy, có 06 trường hợp nêu trên được ứng cử trong Đảng
Trường hợp nào được ứng cử trong Đảng? Thủ tục ứng cử trong Đảng được quy định như thế nào theo Quyết định 190? (hình từ internet)
Thủ tục ứng cử trong Đảng được quy định như thế nào?
Thủ tục ứng cử trong Đảng được quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024 như sau:
- Đảng viên chính thức ở đại hội đảng viên ứng cử trực tiếp tại đại hội hoặc gửi đơn tới đoàn chủ tịch đại hội. Ở đại hội đại biểu cấp cơ sở, đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử thì làm đơn ứng cử nộp cho cấp ủy cơ sở.
- Đại biểu chính thức ở đại hội đại biểu ứng cử trực tiếp tại đại hội hoặc gửi đơn tới đoàn chủ tịch đại hội.
- Cấp ủy viên ứng cử trực tiếp tại hội nghị cấp ủy để được bầu vào ban thường vụ (Bộ Chính trị, Ban Bí thư), ủy viên ủy ban kiểm tra.
- Ủy viên ủy ban kiểm tra ứng cử trực tiếp tại hội nghị ủy ban kiểm tra để được bầu làm phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.
- Đảng viên không phải là đại biểu của đại hội nếu ứng cử vào cấp ủy từ cấp huyện và tương đương trở lên, thì chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày khai mạc đại hội phải hoàn chỉnh hồ sơ ứng cử nộp cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội. Hồ sơ ứng cử gồm có:
+ Đơn ứng cử.
+ Bản khai lý lịch được xác nhận của cấp ủy cơ sở.
+ Bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân và gia đình theo quy định.
+ Giấy chứng nhận sức khoẻ.
+ Bản nhận xét của cấp ủy cơ sở nơi sinh hoạt, công tác và nơi cư trú theo quy định.
+ Kết luận tiêu chuẩn chính trị của cấp ủy có thẩm quyền theo quy định.
+ Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền).
Cấp ủy cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt và nơi đảng viên cư trú có trách nhiệm xác nhận, nhận xét về người ứng cử. Những vấn đề cần thẩm tra, xác minh nếu vượt quá thẩm quyền thì đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.
Cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tư cách của người ứng cử.
Cấp ủy triệu tập đại hội có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ ứng cử vào cấp ủy của đảng viên nào?
Căn cứ theo Điều 4 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024 quy định như sau:
Nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội
1. Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, Ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp mình theo quy định.
2. Tiếp nhận hồ sơ ứng cử vào cấp ủy của đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội (gửi đến cấp ủy trước khi đại hội chính thức khai mạc chậm nhất là 15 ngày làm việc) để chỉ đạo thẩm tra và chuyển đoàn chủ tịch báo cáo đại hội xem xét, quyết định.
3. Thông báo số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu cho các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Chỉ đạo việc bầu cử đại biểu bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục quy định. Quyết định và thông báo thời gian khai mạc đại hội trước 30 ngày làm việc.
...
Như vậy, cấp ủy triệu tập đại hội có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ ứng cử vào cấp ủy của đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội (gửi đến cấp ủy trước khi đại hội chính thức khai mạc chậm nhất là 15 ngày làm việc) để chỉ đạo thẩm tra và chuyển đoàn chủ tịch báo cáo đại hội xem xét, quyết định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm nào?
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có được quyền ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử cho bên thứ ba hay không?
- Đối tượng thương lượng tập thể trong lao động là ai? Có thể thương lượng tập thể về tiền lương không?
- Nội dung cần nắm trong nội dung môn Toán học lớp 8 về định lý Định lý Pytago theo quy định pháp luật là gì?
- Mẫu 17B KNĐ công văn giới thiệu người vào Đảng đã được cấp ủy cơ sở làm thủ tục đề nghị kết nạp Đảng như thế nào? Tải mẫu ở đâu?