Hành vi bạo lực gia đình có thể là căn cứ để đơn phương ly hôn được không?
Hành vi bạo lực gia đình có thể là căn cứ để đơn phương ly hôn được không?
Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, nếu có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình khiến đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì đây là căn cứ để giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn.
Hành vi bạo lực gia đình có thể là căn cứ để đơn phương ly hôn được không? (Hình từ Internet)
Các bước tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn như thế nào? Hồ sơ đơn phương ly hôn bao gồm những gì
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin đơn phương ly hôn tại TAND có thẩm quyền bao gồm
- Đơn xin ly hôn theo mẫu (Có sẵn tại bộ phận nhận đơn khởi kiện của tất cả các tòa án);
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- 01 Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;
- Bản sao có chứng thực CMND/hộ chiếu của hai vợ chồng;
- Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực; nếu có);
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao; nếu có)...
Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn;
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án;
Bước 4: Tòa án triệu tập đương sự lấy lời khai, hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành thì tòa án tiến hành mở phiên tòa xử lý vụ việc ly hôn.
Nguyên tắc phân chia tài sản sau khi ly hôn là gì?
Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc phân chia tài sản vợ, chồng khi ly hôn như sau:
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.
Như vậy, về việc phân chia tài sản thì luật vẫn ưu tiên việc vợ chồng tự thỏa thuận với nhau.
Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu giấy xác nhận tuổi Đảng mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi?
- Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tỉnh Quảng Ninh là bao nhiêu mét vuông?
- 20 khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2024?
- Lịch âm dương Tháng 11 2024 đầy đủ, chi tiết? Nước ta có ngày lễ lớn nào theo Lịch âm dương Tháng 11 2024 không?
- Tổng hợp Đề thi giữa kì 1 Toán 4 Cánh diều có đáp án tham khảo năm 2024-2025?