Công chứng ngoài trụ sở được không? Chi phí thế nào?
Công chứng ngoài trụ sở được không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định địa điểm công chứng như sau:
Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, phải thuộc một trong những trường hợp dưới đây mới được phép thực hiện công chứng ngoài trụ sở:
- Người già yếu, không thể đi lại được;
- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án;
- Người có lý do chính đáng không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Nếu không thuộc những trường hợp này thì việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Công chứng ngoài trụ sở được không? Chi phí thế nào? (Hình từ Internet)
Chi phí thực hiện công chứng ngoài trụ sở như thế nào?
Căn cứ Điều 68 Luật Công chứng 2014 quy định về chi phí khác như sau:
Chi phí khác
1. Trường hợp người yêu cầu công chứng đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì người yêu cầu công chứng phải trả chi phí để thực hiện việc đó.
Mức chi phí do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận. Tổ chức hành nghề công chứng không được thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận.
2. Tổ chức hành nghề công chứng phải niêm yết rõ nguyên tắc tính chi phí khác và có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về các chi phí cụ thể đó.
Như vậy, mức chi phí thực hiện công chứng ngoài trụ sở do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận. Tổ chức hành nghề công chứng không được thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận.
Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng như sau:
Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;
b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;
c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;
d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
[...]
Như vậy, công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định như trên là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 23 Luật Công chứng 2014 quy định thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng như sau:
(1) Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gồm đơn đề nghị thành lập và đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.
(2) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(3) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập.
Nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng bao gồm tên gọi của Văn phòng công chứng, họ tên Trưởng Văn phòng công chứng, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng, danh sách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của Văn phòng công chứng (nếu có).
(4) Hồ sơ đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng gồm đơn đăng ký hoạt động, giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng phù hợp với nội dung đã nêu trong đề án thành lập và hồ sơ đăng ký hành nghề của các công chứng viên hợp danh, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng (nếu có).
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(5) Văn phòng công chứng được hoạt động công chứng kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Lời chúc Tết mùng 3 mừng năm mới Ất Tỵ 2025 hay và ý nghĩa tặng Thầy cô?
- Lỗi dừng đèn đỏ quá vạch 2025 đối với xe máy bị phạt bao nhiêu?
- Cựu chiến binh nào được hưởng bảo hiểm y tế 100% chi phí khám chữa bệnh?
- Những món ăn phổ biến vào ngày tết Nguyên đán? Công tác an toàn thực phẩm đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 triển khai như thế nào?